THÁO LẮP DẺO TOÀN HÀM

Khi không thể làm răng giả loại phục hình cố định, chẳng hạn như mất quá nhiều răng, không đủ răng trụ, răng trụ yếu… bạn có thể phải làm loại hàm giả tháo lắp. Loại này có sức nhai kém hơn so với loại phục hình cố định, nhưng đôi khi đây lại là giải pháp duy nhất

Đối với hàm giả tháo lắp, hàng ngày cần tháo ra để vệ sinh sau khi ăn, tuy có thể hơi phiền phức nhưng lại rất hợp vệ sinh.

         Hàm giả tháo lắp chỉ nên dùng trong một thời gian nhất định. Sau khoảng 3 – 5 năm, bạn nên thay hàm mới, do quá trình tiêu xương sinh lý và sự thoái hóa tự nhiên của hàm giả làm cho hàm giả không còn phù hợp. Đây cũng là hiện tượng bình thường.

         Có nền hàm bằng nhựa dẻo nên loại này có phần êm ái và dễ thích nghi hơn hàm nhựa cứng. Sử dụng móc nhựa giống màu lợi nên thẩm mỹ cao hơn. Hàm nhựa dẻo có chi phí cao hơn hàm nhựa cứng một chút.

Bệnh nhân bị mất toàn bộ răng sẽ được gắn vào hàm tháo lắp  toàn phần phục hồi các răng bị mất.

Hàm tháo lắp toàn phần gồm: răng giả, nền nhựa dẻo.

Đặc điểm của hàm dẻo tháo lắp:

-                     Ăn nhai có cảm giác êm hơn so với tháo lắp nhựa thông thường;

-                     Sau một thời gian sử dụng có thể bị ngấm dịch miệng và tạo mùi hôi;

-                     Nếu bị nứt gãy thì cần phải làm mới hoàn toàn;

-                  Sau nhiều năm sử dụng có thể độ khít sát không được như lúc đầu và nền nhựa có xu hướng bị chai cứng lại làm đau nướu lúc nhai;

-                  Hàm giả mới luôn cần một thời gian thích nghi: bệnh nhân phải tập làm quen với vị trí các răng và nướu mới, khi mới mang hàm sẽ có cảm giác hơi vướng, nói ngọng, tăng tiết nước bọt,...Sau vài giờ bệnh nhân sẽ từ từ nói chuyện bình thường, sau vài ngày hoặc vài tuần ăn uống sẽ quen dần, nên bắt đầu với các loại thức ăn mềm, nếu khi ăn nhai có cộm nên đến Nha sĩ để chỉnh cộm.

Vệ sinh và bảo quản hàm tháo lắp:

Hàm giả sẽ tồn tại rất lâu nếu được bảo quản tốt, hàm giả bị rớt, va chạm mạnh có thể bị biến dạng. Hàm giả tháo lắp cần được tháo ra và chải rửa sạch sẽ mỗi ngày với kem đánh răng hoặc dung dịch chải rửa chuyên dùng. Không nên dùng các loại dung dịch rửa, kem đánh răng có chất mài mòn, bàn chải cứng,...

Khi không mang hàm nên ngâm hàm trong nước thường hoặc các dung dịch ngâm hàm sát khuẩn, không nên sát khuẩn bằng cách ngâm hàm trong nước quá nóng sẽ làm biến dạng hàm.

Hàm giả nên được tháo ra ban đêm để cho các mô nướu thư giãn không bị đè ép, tạo điều kiện tốt cho hệ thống tự chải rửa của lưỡi và nước bọt.

Ngay cả khi mang hàm giả, xương hàm vẫn sẽ tiếp tục thay đổi theo thời gian, do đó sau một thời gian mang hàm có thể sẽ lỏng và cần đệm hàm. Do vậy, bạn nên đến Nha sĩ định kỳ để kiểm tra các răng nướu thật, kiểm tra hàm giả và sửa chữa nếu cần.